image banner
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 24
  • Trong tuần: 62
  • Tất cả: 10,468
Đăng nhập
Lan tỏa những giá trị tốt đẹp của giáo dục mầm non
Sau 5 năm, giáo dục mầm non đã có những đổi thay hết sức tích cực. Đây là trái ngọt từ nỗ lực chỉ đạo điều hành của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ để tham vấn Chính phủ ban hành nhiều chính sách phát triển GD Mầm non.

Nghị định 105 đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với GD Mầm non (GDMN) ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Giải quyết được những khó khăn bất cập đối với GDMN ở địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất đảm bảo công bằng đối với mọi trẻ em. Các địa phương có căn cứ xây dựng chính sách địa phương phù hợp nhằm huy động mọi nguồn lực phát triển GDMN, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Một nghị định đầy tính nhân văn

Nghị định số 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển GDMN, với 3 chính sách lớn được các nhà trường đặc biệt quan tâm, đó là: Chính sách đầu tư, ưu tiên phát triển GDMN; Chính sách đối với trẻ em mầm non; Chính sách đối với giáo viên mầm non.

Trong đó, ngoài chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non theo quy định tại NĐ số 06 về cơ bản được giữ nguyên, Nghị định số 105 có một số chính sách mới đã đem lại niềm vui, động lực đến trường cho cả cô và trò. Lấy ví dụ, Vĩnh Phúc là tỉnh vừa có khu vực dân tộc và các khu công nghiệp nên các cơ sở GDMN đều cảm nhận được những chính sách mới ban hành đã tạo rất nhiều động lực để phát triển GDMN khu vực này.

Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc, chia sẻ: Quy định về xã có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng khó khăn, được ưu tiên đầu tư kinh phí từ các chương trình, dự án để xây dựng cơ sở GDMN công lập đáp ứng yêu cầu kiên cố hóa trường lớp học - thật ý nghĩa.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn cho trẻ em tính trên số lượng trẻ em được ăn bán trú, là những quyết định đầy tính nhân văn của Nghị định. Các nhóm trẻ độc lập, tư thục tại khu công nghiệp được được ngân sách địa phương hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất - điều này có ý nghĩa rất lớn. Vì các lớp học này đang giảm gánh nặng cho trường công, trong việc đón con em công nhân, người lao động ở khu vực này yên tâm gửi con đi làm.  

Quan tâm đến sự phát triển của trẻ

Ông Vương Văn Bằng – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái, cho biết: Là tỉnh có đông người dân tộc thiểu số (DTTS) nên chúng tôi xác định tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non là hết sức quan trọng. Những đổi thay từ hoạt động này đã thấy rõ ở các nhà trường, thầy cô giáo đã linh hoạt, sáng tạo trong triển khai tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, chú trọng xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt, chú trọng cho trẻ tập nói tiếng Việt trong hoạt động phát triển ngôn ngữ và lồng ghép tích hợp, mọi lúc mọi nơi; chỉ đạo lựa chọn nội dung phù hợp với đặc điểm vùng miền, tâm sinh lý lứa tuổi và dân tộc của trẻ; làm tốt công tác phối hợp với cha mẹ để xây dựng môi trường tiếng Việt tại gia đình.

Ông Vũ Thế Long – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: Nhờ tăng cường sử dụng tiếng Việt và trong các môn học/hoạt động giáo dục cùng  các hoạt động giao lưu tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số; đã khích lệ, động viên học sinh tích cực học hỏi, trao đổi để tăng cường vốn tiếng Việt, hình thành khả năng giao tiếp tiếng Việt, đặc biệt sự mạnh dạn, tự tin trong sử dụng tiếng Việt.

Trẻ được tích cực giao tiếp, làm quen với môi trường chữ viết tiếng Việt phong phú, khả năng nghe nói, tiền đọc viết phát triển tốt. Trẻ đã mạnh dạn, tự tin hơn, tích cực tham gia các hoạt động giáo dục; Giảm bớt nhút nhát, rụt rè; Nhiều em còn chủ động giao tiếp, vui vẻ  khi gặp người lạ.

 Đổi thay từ phương pháp mới

Nghệ An là một tỉnh miền núi được đánh giá là có nhiều nỗ lực và thành quả trong thực hiện Chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2016 - 2020" của ngành GD-ĐT.

TS Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT vui vẻ cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện chuyên đề nêu trên, các phòng GD-ÐT, các cơ sở GDMN đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương quy hoạch gọn các điểm trường, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho trường mầm non. Mặt khác, tích cực tuyên truyền đến phụ huynh học sinh và các tầng lớp nhân dân trong việc xây dựng môi trường và phối hợp tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm "Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm".

Đến nay, sau 5 năm triển khai, diện mạo các trường mầm non tại Nghệ An đã thay đổi, cơ sở vật chất được đầu tư, cải thiện theo hướng khai thác, tận dụng tối đa không gian sẵn có cho trẻ hoạt động; bổ sung đồ dùng, đồ chơi tự tạo, gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường.

Trẻ được trực tiếp trải nghiệm khám phá, tìm tòi, biết quan sát và lắng nghe; mạnh dạn, tự tin, tích cực tham gia các hoạt động; có các kỹ năng học tập cần thiết tạo nền tảng tốt khi bước vào lớp 1.

Các cơ sở GDMN của tỉnh đã có nhiều biện pháp sáng tạo, nhất là tập trung vào việc xây dựng và khai thác sử dụng môi trường trong tổ chức các hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Hoạt động giáo dục trẻ đã gắn nhiều hơn với thực tế cuộc sống để trẻ được chủ động tham gia, tích cực hoạt động và phát triển kỹ năng.